Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho FPT Telecom

Theo giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho FPT Telecom, công ty này được phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với phạm vi như sau: Dịch vụ truyền hình cáp tương tự: trên phạm vi toàn quốc, trừ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk; và Dịch vụ truyền hình cáp số trên phạm vi toàn quốc.
Trước đó, sau 1 năm chờ đợi, hồi đầu tháng 5, Viettel cũng đã được Bộ TT&TT cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp với phạm vi phủ sóng tương tự như FPT Telecom.
Cùng với Viettel, VNPT, tháng 5/2013, FPT Telecom đã đệ đơn xin được tham gia thị trường truyền hình cáp. Tuy nhiên, việc những ông lớn trong lĩnh vực viễn thông nhảy vào phân khéo béo bở vốn thuộc về VTV đã khiến nhà đài này không chịu “để yên”.
Nửa cuối năm 2012, VTV, SCTV, VCTV và Hiệp hội Truyền hình trả tiền đã gửi công văn đến các bộ ngành Trung Ương để “tố” Vietel, VNPT và FPT nhảy vào thị trường truyền hình cáp là đầu tư ngoài ngành, không phù hợp trong khi Nhà nước đang có chủ trương không để các Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư ngoài ngành.
Mới đây, đại diện Bộ TT&TT đã khẳng định sẽ khuyến khích doanh nghiệp tận dụng hạ tầng có sẵn của mình cung cấp đa dịch vụ trên đó, kể cả truyền hình cáp, vì công nghệ đã hội tụ trên hạ tầng mạng. Bởi vậy, Viettel, FPT, VNPT có thể sử dụng hạ tầng mạng đó để cung cấp nhiều dịch vụ khác chứ không riêng gì truyền hình.
Theo số liệu thống kê hiện nay, sau 9 năm phát triển, Việt Nam mới có khoảng 3 triệu thuê bao truyền hình cáp và 70% thị phần nằm trong tay của Truyền hình cáp Việt Nam. Điều này đồng nghĩa thị trường vẫn còn tiềm năng khi mới chỉ có 15% hộ gia đình của Việt Nam đang sử dụng dịch vụ này. Trong khi đó, tình trạng độc quyền của các nhà đài, như Truyền hình cáp Việt Nam, đã khiến người dùng phải chịu thiệt thòi. Chỉ trong 3 năm qua, đơn vị này đã liên tục tăng giá cước. Với 3 lần điều chỉnh, hiện nay giá dịch vụ này đã lên tới 110.000 đồng/tháng/tivi. Đây là mức giá quá cao so với mức thu nhập chung của người dùng Việt Nam, đặc biệt khi mà thời gian người dùng xem TV không còn nhiều như trước đây.

Truyền hình trả tiền tại Việt Nam sẽ không độc quyền

Lộ trình đến 2020 đặt mục tiêu khoảng 70% hộ gia đình sử dụng truyền hình trả tiền với mức giá hợp lý, hình thành thị trường không độc quyền và có doanh nghiệp đủ sức vươn ra quốc tế.
 Truyền hình trả tiền hướng tới môi trường cạnh tranh lành mạnh, không có độc quyền. 

Theo Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt, từ năm 2015 sẽ có từ 70 - 80 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia, khu vực và địa phương.

Khoảng 40 - 50 kênh và dịch vụ truyền hình trả tiền chuyên biệt của Việt Nam sẽ được cung cấp theo yêu cầu. Bên cạnh đó, thị trường phát thanh, truyền hình trả tiền cạnh tranh lành mạnh sẽ được hình thành theo cơ chế thị trường, phát triển bền vững với công nghệ hiện đại và chuyển hoàn toàn sang phát thanh, truyền hình số vào năm 2020. Các nội dung sẽ phong phú, nâng cao chất lượng và có mức giá hợp lý.

 Mục tiêu là đảm bảo chống độc quyền, đồng thời hình thành doanh nghiệp đủ năng lực làm chủ thị trường trong nước và vươn ra quốc tế. Số lượng doanh nghiệp truyền hình cáp công nghệ tương tự (analog) sẽ giảm dần trong khi chất lượng dịch vụ phải nâng cao.

Theo quy hoạch, đến năm 2015 cả nước sẽ có khoảng 30% - 40% số hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền và tăng con số này lên 60% - 70% vào năm 2020. Việt Nam hiện có khoảng 20% hộ dân dùng truyền hình trả tiền của một số nhà cung cấp tiêu biểu như SCTV, VTC, VCTV, K+, HTV, VTV..., tương đương 4,5 triệu thuê bao. Trong đó VTV nắm khoảng 80% (tính tổng các đài trực thuộc). Mới đây nhất, hai doanh nghiệp viễn thông là Viettel và FPT cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép để tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.